1989: Ban chấp hành trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” với nội dung giúp nhau sản xuất kinh doanh từng bước phát triển và là nguồn gốc các chương trình tín dụng của Hội ngày nay.
1992: Hội LHPN Việt nam thành lập Dự án Quỹ Tình thương thuộc ban Gia đình – Đời sống theo công văn số 563 của Chính phủ ra ngày 20/2/1992 và bà Đỗ Thị Tân là giám đốc của dự án. Dự án Quỹ Tình Thương ra đời với tên giao dịch quốc tế là “Tau Yeu May” hay còn gọi là TYM. Khi mới thành lập TYM hoạt động tại huyện Sóc Sơn – Hà Nội.
Dự án khởi động với khoản ngân sách 18.000 USD từ nguồn tài trợ của Quỹ Ủy thác cộng đồng Châu Á (ACT). Ngay từ những ngày đầu, đích thân các đồng chí lãnh đạo TYM cùng các chuyên gia trực tiếp xuống địa bàn huyện Sóc Sơn vẽ bản đồ nghèo khổ và lựa chọn xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất để triển khai hoạt động. Tiếp đến những chị em nghèo nhất được lựa chọn, họ được đào tạo về chính sách, sản phẩm của TYM, chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên trong nhóm, cụm trong vòng 2 tuần và phải trải qua kỳ kiểm tra chất lượng trước khi được tiếp cận vốn. Từ những chị em vốn chỉ quen với ruộng vườn và lối sinh hoạt truyền thống, họ đã chứng tỏ nghị lực phi thường khi đều đặn tham gia lớp học của TYM. Nhờ sự kiên trì ấy, những thành viên hiểu rõ lợi ích, trách nhiệm của mình khi tham gia chương trình và chấp hành tốt các hoạt động của TYM.
1995: Sau khi thí điểm thành công, Hội LHPN Việt nam quyết định mở rộng mô hình ra các địa bàn mới. Tổ chức Oxfam của Mỹ bắt đầu hỗ trợ với cho TYM với quy mô lớn.
1997: TYM đã thu hút được gần 7.000 khách hàng nghèo nhất của 5 huyện thuộc 5 tỉnh Sóc Sơn-Hà Nội, Mê Linh – Vĩnh Phúc, Kim Động – Hưng Yên, Ý Yên – Nam Định, Hưng Nguyên – Nghệ An.