Thành viên: Đặng Thị Bình

Tuổi: 60

Sống tại: Đô Lương - Nghệ An

Gương sáng vùng quê 

Làm việc trong ngành tài chính vi mô chúng tôi được chứng kiến nhiều chị em phụ nữ biết vượt qua hoàn cảnh thiếu thốn, vươn lên phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái trưởng thành. Chị Đặng Thị Bình ở cụm 8, xóm 6 Trù Sơn,huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã làm chúng tôi cảm phục ngay từ lần gặp đầu tiên.

“Cháu được đi làm ở Hà Tĩnh rồi cô ạ. Thế mà có lúc cháu tưởng mình không tiếp tục đi học được nữa cơ”, vừa thấy tôi đến, chưa kịp chào hỏi gì con gái chị đã thông báo tin vui. Nhìn thấy ánh mắt rạng ngời, khuôn mặt không giấu được niềm hạnh phúc của cô thiếu nữ trẻ vừa ra trường tôi thấy trong lòng ấm áp vô cùng. Qua chén nước chè xanh nóng hổi, câu chuyện về người mẹ đáng kính được gợi mở một cách hồ hởi, tự hào dường như không có hồi kết.

“Trước đây nhà cháu nghèo lắm, đến cái ăn mà cũng chỉ được bữa no bữa đói. Để ba chị em cháu tiếp tục được học cái chữ, bố mẹ cháu chẳng quản ngại làm bất kể việc gì. Thấy bố mẹ quần quật làm việc từ sáng đến khuya, hết làm đồng(1) rồi về gánh đất thuê, phụ hồ…dường như chẳng có phút giây nào được nghỉ ngơi chúng cháu thương lắm. Ở quê cháu đất cằn sỏi đá, không có nghề kiếm kế sinh nhai, nai lưng làm việc vất vả thế mà đói nghèo vẫn không ngừng đeo bám nhà cháu. Chúng cháu cũng chẳng giúp đỡ được gì cho bố mẹ ngoại trừ mấy việc lặt vặt trong nhà. Cơ hàn và cực khổ tiếp tục chồng chất trên đôi vai gầy của mẹ khi bố không may tai nạn rồi qua đời. Không lâu sau đó hai đứa em lại nhập viện. Mẹ cháu dường như suy sụp hoàn toàn, một mình mẹ không nghề không nghiệp, một nách mang ba đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi học. Thấy mẹ ngày càng gầy rộc, xanh xao cháu có ý định nghỉ học để làm thuê kiếm tiền nuôi hai em. Mẹ cháu một mực phản đối. Với mẹ, được thấy các con cắp sách tới trường là nguồn động lực sống, là tia hi vọng cuối cùng của mẹ.

Vào năm 2008, cháu được vào học tại trường Cao đẳng kinh tế Nghệ An. Để có tiền cho cháu nhập học mẹ đã phải chạy vạy khắp nơi, vay mượn họ hàng, bạn bè, láng giềng. Nhìn dáng mẹ thất thểu, mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo vì phải chạy đi chạy lại cháu không cầm lòng được. Mẹ ôm cháu mà khóc cạn nước mắt vì không vay được tiền. Biết làm sao được, người dân ở cái miền quê nghèo này cũng có khấm khá hơn nhà cháu đâu. Họ cũng chẳng dư dả gì cả. Cháu đã nghĩ mình không có cơ hội được làm sinh viên nữa rồi. Nhưng như một giấc mơ kỳ diệu, may mắn thay cho nhà cháu khi có dì(2) làm ở hội phụ nữ xóm đến bảo mẹ có vay vốn không. Ở xóm đang triển khai vốn của “quỹ TYM” cho hội viên phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Mẹ cháu mừng rỡ như bắt được vàng ấy cô ạ. Lấy lại tinh thần mẹ đã nhờ dì hội trưởng đăng ký vay 3 triệu đồng. Thật nhanh chóng, sau một tuần mẹ đã có số tiền trên tay. Cầm số tiền lớn như vậy lòng mẹ nặng trĩu, không biết dùng thế nào cho hiệu quả đây. Thế là mấy mẹ con cháu bàn bạc rồi cùng nhau quyết định nuôi gà. Mấy chị em cháu chịu trách nhiệm tìm cây tre, gỗ loại để làm chuồng, còn mẹ thì đi mua giống. Vì chưa có kinh nghiệm, mẹ đã phải đến những nhà trong xóm để học cách chăm sóc. Mẹ thức cả đêm để đọc sách hướng dẫn vừa được các cô trong xóm cho mượn. Không phụ công sức, mồ hôi đã bỏ ra, sau một thời gian thấy mẹ vui mừng báo tin, đàn gà mẹ nuôi giờ con nào con nấy béo núc ních, nhiều người đã đến đặt mua. Hết lượt gà vừa rồi lãi cũng được kha khá. Có chút vốn mẹ lại vay thêm 5 triệu ở TYM để nuôi một con bò cho các em có thể chăn dắt vào những giờ nghỉ học. Nhận thấy được hiệu quả ban đầu trong sử dụng vốn, tận dụng lợi thế vườn rộng nhiều cây, sang năm thứ 3 mẹ tiếp tục vay 7 triệu để nuôi thêm dê lấy thịt. Vừa rồi mẹ lại tiếp tục nhận 10 triệu đồng từ vốn chính sách với lãi suất ưu đãi để đầu tư tiếp vào chăn nuôi. Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi mẹ đã biết sử dụng vốn vay đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Từ những đồng tích lũy dần dần đó đã giúp 3 chị em cháu vững vàng ngồi trên ghế nhà trường. Không phụ công cho sự tần tảo sớm hôm của mẹ, 3 chị em cháu cũng rất chăm chỉ học tập. Vừa rồi đứa em trai thứ 2 đang học năm thứ 3 ở trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh được nhận học bổng của trường. Còn đứa em út đang học lớp 11 cũng đạt học sinh tiên tiến”.

Nghe con gái kể chuyện về mình, giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má chị Bình từ bao giờ. Ông trời thật có mắt, những đắng cay, nhọc nhằn, những giọt mồ hôi lẫn trong nước mắt lâu nay chị nếm trải đã được bù đắp xứng đáng với sự phát triển trong kinh tế và sự trưởng thành của các con. Giờ đây, con gái đầu đã xin được việc làm ổn định. Hai đứa em thì ngoan ngoãn, chuyên cần trong học tập. Còn hạnh phúc nào hơn khi ước vọng ấp ủ bấy lâu nay của chị đã thành hiện thực.

Rời nhà chị Bình đã lâu nhưng hình ảnh của gia đình chị vẫn vương vấn mãi trong tôi. Thật khâm phục cho những người phụ nữ dũng cảm, dám nghĩ, dám làm vượt qua số phận vươn lên bằng chính sức mình để giúp con cái có thể học hành sánh ngang bè bạn. Chị quả là một tấm gương sáng để mỗi người chúng ta học tập và noi gương.

(1)Làm đồng: làm ruộng

(2)Dì: cô

Chi nhánh Đô Lương – Nghệ An

Share

25/04/2014