Thành viên: Nguyễn Thị Như

Tuổi: 49

Sống tại: Thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Người phụ nữ thành công với mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Tự và từng trải qua cuộc sống nhiều khó khăn, chị Như luôn vươn lên với ý chí và nghị lực, sống chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tìm tòi hướng đi để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Với mong muốn đưa ra thị trường những sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, chị Nguyễn Thị Như, thị trấn Bích Động (Việt Yên, Bắc Giang) quyết tâm thay đổi cách làm mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao, an toàn.

Từ nhiều đời nay, vùng nông thôn huyện Việt Yên (Bắc Giang) vẫn quen sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, hoa màu được trồng xen kẽ giữa hai vụ lúa hàng năm. Đặc biệt, dưa lưới vẫn được trồng ngoài ruộng theo luống nên dưa thường bị nám, dễ bị sâu bệnh và rụng trái bởi sương muối. Chứng kiến cảnh những vụ mùa của người dân luôn bị tàn phá bởi sâu bệnh, chuột bọ, rồi thiên tai hoành hành, chị Nguyễn Thị Như nung nấu quyết tâm sớm tìm ra những giải pháp giúp gia đình mình và người dân trồng dưa lưới có một hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Năm 2014, sau nhiều lần thử nghiệm thất bại mô hình trồng dưa lưới, chị Như vẫn kiên trì học kinh nghiệm từ các kỹ sư nông nghiệp về các loại bệnh trên cây trồng, tham quan các mô hình, hệ thống nhà màng từ các địa phương khác.

Thời điểm đó, tiền vốn do hai vợ chồng tích góp được sau nhiều năm chung sống chỉ được 100 triệu đồng. Chị Như đã bàn bạc với chồng mạnh dạn đổi ruộng cho một số hộ trong thôn để dồn đất trồng dưa lê giống Hàn Quốc. Do số vốn ít, ban đầu diện tích trồng dưa của gia đình chỉ rộng khoảng 1.500 m2.

Chị tâm sự: “Khi mới bắt tay vào làm, do kinh nghiệm, hiểu biết về khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế nên đã không ít lần chúng tôi thất bại, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc. Trong quá trình sản xuất, tôi chịu khó mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ sách, báo và những mô hình trồng dưa hiệu quả trong tỉnh. Bền bỉ làm lụng, đến năm 2017, sản lượng từ những ruộng dưa của gia đình cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Thành công bước đầu ấy giúp gia đình thoát nghèo, có thêm động lực, niềm tin để mở rộng sản xuất”.

Năm 2019, chị Như bắt đầu vay vốn của TYM với mức vốn là 40 triệu đồng. Với số tiền này, chị tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống nhà màng, hệ thống tưới tiêu và cải tạo đất. Đặc biệt, để hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn, nên trong năm này chị thành lập Hợp tác xã Như Hoa để có đầy đủ tư cách pháp nhân, thuận tiện cho việc liên kết sản xuất, mở rộng giao thương, kết nối thị trường. Bên cạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất hàng hóa có quy mô lớn hơn, chị đã mở rộng ra nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao khác với chất lượng đảm bảo, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không chỉ vậy, chị Như đặc biệt quan tâm tới việc quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua thương mại điện tử. Chị nhanh chóng xây dựng trang web riêng, tạo trang mạng xã hội của Hợp tác xã Như Hoa để giới thiệu các nông sản công nghệ cao, qua đó khách hàng có thể thuận tiện kết nối, đặt mua sản phẩm qua môi trường online. Nhờ vậy, sản phẩm của Hợp tác xã Như Hoa ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận.

Chị Như cho biết thêm: “Đến nay, tôi đã mở quy mô diện tích lên đến 13 sào Bắc bộ (tương đương 5.000 m2). Nguồn nhân công trong Hợp tác xã chủ yếu từ các thành viên trong gia đình và thuê 5 lao động tại thôn, đều là các chị em trong chi, tổ Hội phụ nữ tại địa phương”.

Với mô hình sản xuất này, năm 2021 chị Như đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vinh danh trong khuôn khổ Giải thưởng Phụ nữ khởi nghiệp. Câu chuyện kiên trì, mạnh dạn làm kinh tế của chị Như đã truyền cảm hứng cho nhiều chị em phụ nữ khác tại địa phương trên con đường phát triển kinh tế bền vững tại chính mảnh đất quê hương mình.

Share

10/11/2022