Thành viên: Nguyễn Thị Thanh Phương

Tuổi: 35

Sống tại: Phú Bình, Thái Nguyên

“Chúng tôi sản xuất viên nén từ những thứ giản dị xung quanh cuộc sống hàng ngày để tạo ra năng lượng thân thiện với môi trường”

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO – MÔ HÌNH SẢN XUẤT ĐỘC ĐÁO CỦA THÀNH VIÊN TYM NGUYỄN THỊ THANH PHƯƠNG 

Viên nén mùn cưa – một dạng năng lượng tái tạo: được sản xuất từ mùn cưa ép là một dạng nhiên liệu rẻ, thân thiện với môi trường. Trên thế giới, đặc biệt là ở nhưng quốc gia phát triển, nguồn nhiên liệu sinh học này đã không còn xa lạ bởi không khói và không thải khí độc ra môi trường, tuy nhiên ở Việt Nam thì đây vẫn còn là điều vô cùng mới mẻ. Từ những thông tin hiếm hoi bằng tiếng Anh trên Internet về kỹ thuật sản xuất viên nén mùn cưa, chị Phương cùng chồng phải nhờ bạn bè dịch hộ sang tiếng Việt và tự tìm hiểu, nghiên cứu. Khó khăn là thế nhưng anh chị quyết tâm “sản xuất viên nén từ những thứ giản dị xung quanh cuộc sống hàng ngày để tạo ra năng lượng thân thiện với môi trường”.

Viên nén được làm từ mùn cưa ép – một dạng nhiên liệu rẻ và thân thiện với môi trường

Khởi nghiệp từ năm 2009 với việc bắt đầu tìm hiểu thị trường – đầu vào, đầu ra và tự nghiên cứu, sáng chế máy móc, đây là quãng thời gian khó khăn nhất của chị. Với sự nỗ lực của chồng chị – một kỹ sư ngành tự động hóa và bố đẻ chị – một thợ cơ khí lành nghề, sau một thời gian dài, nghiên cứu rồi thất bại rồi lại chỉnh sửa không biết bao nhiêu lần, cuối cùng anh chị cũng đã sáng chế thành công dây chuyền máy móc sản xuất viên nén và bếp đun không khói. Các máy móc của gia đình anh chị không những có chi phí rẻ hơn nhiều so với máy móc nhập khẩu mà lại tiện dụng và phù hợp hơn với điều kiện tại Việt Nam. Có máy móc, anh chị bắt đầu sản xuất; ban đầu sản phẩm được giới thiệu với hàng xóm và dân làng, sau đó anh chị mới dần dần bán ra thị trường địa phương và nhân rộng ra các tỉnh thành. Mở rộng được thị trường là điều đáng mừng, nhưng anh chị cũng canh cánh nỗi lo vì không thể vay thêm được tiền để đầu tư. Không có tiền đồng nghĩa với việc sản xuất chững lại và mọi cố gắng từ trước đến nay có thể không mang lại hiệu quả. May mắn khi năm 2012, chị được tiếp cận với vốn vay của TYM. Nguồn vốn vi mô này cũng với tất cả vốn liếng vay mượn từ người thân đã giúp cho anh chị thêm cơ hội quảng bá sản phẩm của mình ra thị trường địa phương. Nguồn lực dù không lớn, nhưng với sự kiên trì, và đầu tư từng bước, dần dần viên nén mùn cưa của anh chị được nhiều người biết đến hơn và anh chị có được những đơn đặt hàng đầu tiên.

Đến nay, khi đã tham gia TYM được 5 năm, trở thành thành viên trưởng thành của TYM với quy mô nhà xưởng lên tới 600m2 và 15 nhân công, chị vẫn tiếp tục vay vốn của TYM. Hiện nay trung bình mỗi ngày gia đình chị Phương sản xuất từ 2 -3 tấn sản lượng viên nén mùn cưa. Sản phẩm của gia đình được ưa chuộng mở rộng tiêu thụ không chỉ ở trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam như Yên Bái, Lạng Sơn, Đà Lạt, Bình Dương… Sản phẩm viên nén nén mùn cưa cùng với những sáng chế về dây chuyền máy móc của anh chị đã đạt được nhiều giải thưởng sáng tạo tại Việt Nam. Cho đến nay anh chị đã chuyển giao công nghệ cho nhiều cơ sở sản xuất khác và thậm chí còn bao tiêu đầu ra cho nhưng cơ sở này. Trong thời gian tới anh chị sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất của gia đình cũng như sử dụng thêm nhiều nguyên liệu tận dụng như rơm, trấu, dăm bào,…

Chị Phương chia sẻ rằng, chính bởi những đồng vốn đầu tiên của TYM, sự tin tưởng mà TYM dành cho dự án của anh chị vào thời điểm nhiều người còn hoài nghi về khả năng thành công của nó mà anh chị có được ngày hôm nay.

Share

18/04/2018