Thành viên: Quách Thị Phúc

Tuổi: 66

Sống tại: Kim Động - Hưng Yên

Bí quyết đưa đến thành công

Về thăm xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, hỏi thăm nhà chị Quách Thị Phúc – khách hàng Quỹ Tình thương, hẳn ai cũng biết vì chị là điển hình của Doanh nhân vi mô trong khu vực. Hiện nay chị đã và đang tạo điều kiện làm việc thường xuyên cho 6 người.

Năm 1999, gia đình chị Phúc đã bắt đầu vay vốn của anh chị em để chăn nuôi gà, vịt. Đến năm 2001, khi Quỹ Tình thương mở chi nhánh tại huyện Kim Động, nhận thấy hình thức cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, chị làm đơn tham gia và vay thêm 1 triệu đồng để mua thêm gà, vịt đẻ. Sau mấy vòng vốn, chị thấy vay vốn trả tuần không khó, thậm chí chị còn để dành được tiền tiết kiệm. Chị bàn với chồng vay mức vốn cao nhất của Quỹ là 15 triệu đồng, kết hợp với tiền vốn của gia đình để mở trang trại trồng trọt, chăn nuôi.

Thông thường, các gia đình nông thôn hay nuôi lợn, gà vì đó là những con vật dễ nuôi, dễ bán. Còn chị, chị lại muốn làm khác đi để tìm hướng phát triển mới. Nghĩ là làm, chị đào ao thả cá, vịt, ba ba, nuôi chim bồ câu, gà tây và trồng cam, quýt, bạch đàn. Ban đầu, anh chị gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, không thông thạo đầu ra, đầu vào của sản phẩm, thiếu kiến thức, kĩ năng trong sản xuất, kinh doanh, dịch bệnh làm 300 con vịt bị chết, bão làm gia đình chị thất thu từ vườn cam đường,… Những tổn thất nặng nề này khiến gia đình chị có lúc rất chán nản, nhưng với mong muốn làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, chị lại động viên gia đình và tìm cách khắc phục.

Chị tìm hiểu thêm từ sách báo và vừa làm vừa rút kinh nghiệm để nuôi trồng đạt hiệu quả cao, phòng tránh được dịch bệnh của từng loại. Chị cũng tích cực liên hệ với những người cung cấp đầu vào và mua đầu ra để công việc kinh doanh tiến triển nhịp nhàng, không bị thiếu giống cây trồng, vật nuôi và đặc biệt không bị đọng hàng, đọng vốn. Nhờ vậy, quy mô trang trại nhà chị đã tăng lên đáng kể, chị đã tăng từ 4 mẫu lên 6 mẫu vườn, số lương ba ba, gà, vịt mỗi loại đều tăng lên khoảng 200 con. Chị cung cấp hàng cho người dân địa phương và các tỉnh khác như Hà Nội, Hải Dương. Với mô hình này, chị còn tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho 6 người, không kể những người làm thời vụ. Còn riêng với gia đình chị, tổng giá trị tài sản đã tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.

Dù kinh doanh bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội của Quỹ Tình Thương, của thôn, của xã thông qua các buổi sinh hoạt, trao đổi với các chị em cụm 30 Quỹ Tình thương chi nhánh 4 Kim Động, tham gia tích cực của nhóm văn nghệ của địa phương. Theo chị “lạc quan, vui sống và làm việc là bí quyết đưa đến thành công”.

Share

20/11/2009