Thành viên: Tô Thị Hương

Tuổi: 52

Sống tại: Đô Lương - Nghệ An

Thoát nghèo nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả

Tôi đến thăm nhà chị Tô Thị Hương – thành viên cụm 3, xóm Rú Đèn, Hiến Sơn, Đô Lương, Nghệ An trong một buổi chiều mưa xối xả. Ấn tượng đầu tiên khi có mặt ở nhà chị là ngôi nhà khang trang với khoảng sân rộng và một nhà chứa rơm khô được xây dựng cao ráo sạch sẽ. Do có lịch hẹn trước nên hôm đó tôi có dịp được trò chuyện, được hiểu và khâm phục nghị lực vươn lên của hai vợ chồng chị.

Xuất thân từ gia đình thuần nông nghèo, anh chị kết hôn với 2 bàn tay trắng. Để cải thiện kinh tế gia đình, anh chị quyết định chuyển từ làm ruộng sang nghề buôn bán chỉ  từ đồng vốn vay 2 triệu đồng ít ỏi. Công việc có vẻ thuận lợi bước đầu nhưng nhanh chóng bị thất bại, đẩy gia đình chị rơi vào cảnh nợ nần, khó khăn.

Năm 2007, trong buổi họp của chi hội phụ nữ xóm, chị được biết đến TYM, hồi đó tên là “Quỹ Tình Thương”.  Cảm giác háo hức xen lẫn niềm hy vọng có nguồn vốn mới làm thay đổi kinh tế gia đình nhen lên trong lòng chị. Giờ họp kết thúc đã lâu, chị và một số chị em khác vẫn nán lại tìm hiểu cặn kẽ hơn. Rồi chị vui lắm, chị muốn bàn với chồng tham gia ngay. Nghe chị kể, anh nhanh chóng gạt phăng ý định đó của chị. Có lẽ cảm giác thất bại ngày xưa khiến anh ngại ngần vì “mỗi ngày làm cật lực chỉ có ba mươi nghìn, tiền ăn, tiền học, tiền điện… chẳng đủ nữa là, vay lấy tiền đâu mà trả cho họ, tiền nhà nước đâu phải chuyện đùa”…

Vừa kể chị vừa cười cười…quyết định là vậy, mà hôm sau nghe cán bộ đến tận nhà phổ biến cặn kẽ hơn về TYM thì anh ấy lại còn hào hứng tham gia hơn cả chị. 7 năm tham gia TYM gia đình chị thay đổi thấy rõ…

Với số vốn đầu tiên là 3 triệu đồng, anh chị mua ngay 2 con lợn nái và sửa sang chuồng trại. Ngay năm ấy chị xuất đến 2 lứa lợn con được gần 3 triệu đồng. Chị cười, nói: “Tiền tuần vẫn trả đều, mà còn dư tiền để gửi thêm tiết kiệm nhé”.

Vòng vốn thứ 2, sau khi trả hết nợ ngân hàng và có một ít tiết kiệm, nhận thấy trong xóm không có cửa hàng xay xát lúa, anh chị đã mạnh dạn vay thêm 9 triệu đồng đầu tư mua máy xay lúa và máy đập bột. Vòng vốn tiếp theo, anh chị mua chị mua một chiếc xe máy cũ giá 7 triệu đồng, chị bắt đầu thu gom lươn, ếch từ các hộ trong xóm sau đó đem nhập cho các nhà hàng.

Cứ như thế, cho đến nay, sau 7 vòng vốn vay TYM, lần vay sau luôn cao hơn lần vay trước, cùng với đó, kinh tế gia đình chị cũng liên tục phát triển.

Kinh tế gia đình khấm khá, các con lại ngoan ngoãn, học giỏi là thành quả anh chị đạt được có sự hỗ trợ, giúp sức của TYM. Vừa chia sẻ, ánh mắt anh chị ánh lên sự tự hào và niềm hãnh diện khiến tôi cũng cảm thấy vui và ấm áp trong buổi chiều mưa hôm đó.

Cuộc sống không có gì quá khó khăn nếu ta biết nắm bắt thời cơ, siêng năng, cần mẫn và biết vận dụng đồng vốn hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình. Câu chuyện nhà chị Hương là một trong số những tấm gương điển hình về thành viên xóa đói, giảm nghèo bền vững nhờ vay vốn TYM, là sự minh chứng cho những nỗ lực của thành viên và TYM trong hành trình cùng nhau vươn tới những thành công mới.

TYM chi nhánh Đô Lương

Share

04/03/2015