“Quỹ Tình thương – người bạn đồng hành suốt đời của chúng tôi”

20/03/2009

Quỹ Tình thương (Quỹ TYM) – nơi đã khai sinh cho chúng tôi lần 2 và mãi là người bạn đồng hành của chúng tôi trên con đường lập nghiệp, mưu sinh, đó là tâm sự của các chị em cụm 11, Chi nhánh 3, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Mặc dù ra đời cách đây hơn 10 năm, Quỹ Tình thương đã không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động. Đến nay Quỹ đã phát triển được 21.186 khách hàng ở 16 chi nhánh thuộc 7 tỉnh, thành phố với tổng dư nợ trên 52 tỷ đồng, trung bình một thành viên vay 2,4 triệu đồng, người cao nhất là 15 triệu đồng. Thông qua hoạt động hỗ trợ, đã có hơn 30.000 phụ nữ thoát khỏi đói nghèo.

Ngay tại Chi nhánh 13, thị xã Phúc Yên cũng đã thành lập được 48 cụm với trên 1.500 khách hàng. Tổng dư nợ đến cuối tháng 6/2006 đạt trên 4,4 tỷ đồng. Điều đáng nói là ngoài được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, các chị em còn tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. “Tích tiểu thành đại”, từ hai bàn tay trắng, đến nay nhiều chị đã có 7-8 triệu đồng tiết kiệm làm lưng vốn hoặc phòng khi ốm đau, hoạn nạn và thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng. Ngoài gửi tiết kiệm theo quy định (3.000đ/người/tuần), Quỹ còn huy động các chị tham gia gửi tự nguyện với số tiền 180 triệu đồng. Chỉ một con số tính nhẩm, mỗi chị em một tuần đóng góp 200 đồng, với hơn 1.500 thành viên, Quỹ tương trợ có thêm 300.000 đồng/tuần. Số tiền có được từ Quỹ tương trợ dùng để chi trả cho các trường hợp ốm đau, không may gặp rủi ro, hoạn nạn. Riêng 6 tháng đầu năm Chi nhánh đã chi cho 18 trường hợp (ốm đau phẫu thuật, chồng không may qua đời) số tiền 7,7 triệu đồng. Bên cạnh đó, 100% số cụm còn tham gia xây dựng Quỹ phúc lợi với số tiền lên đến 73 triệu đồng. Vốn vay với lãi suất 1%, trả dần hàng tuần,… Với cách thức này, tỷ lệ thu hồi vốn đạt rất cao: xấp xỉ 100%. Đặc biệt, chị em sẽ được xoá nợ nếu không may qua đời.

Tới tham dự một buổi họp cụm của các chị em Quỹ TYM ở thôn Yên Mỹ, phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên, các đại biểu thực sự ấn tượng khi nghe các chị kể về hoạt động của mình khi tham gia Quỹ. Chị Đinh Thị Sinh, Cụm trưởng cho biết, 35 chị em ở đây, mỗi người một hoàn cảnh. Thật khó có thể kể hết những khó khăn trong những ngày đầu gia nhập Quỹ và càng không thể nói chị em lại có thể mạnh dạn, tự tin như bây giờ. Bản thân chị cũng là một ví dụ. Từ 500 nghìn đồng vốn ban đầu, chị đã đầu tư mua lợn nái. Có lãi, đàn lợn dần sinh sôi, trong chuồng nhà chị lúc nào cũng có hơn chục con lợn. Chăm chỉ làm ăn, chị đã dành dụm đủ tiền nuôi con học đại học, trang trải cuộc sống của gia đình.

Cũng như chị Đinh Thị Sinh, từ nguồn vốn vay ít ỏi ban đầu, các chị đã chuyển “hướng” làm ăn, rời bỏ thói quen độc canh cây lúa, đầu tư vào chăn nuôi, làm ăn buôn bán,…”Lưng vốn” lớn dần cũng đồng nghĩa với vốn vay ngày càng tăng lên. Đã có nhiều chị mạnh dạn vay 10 – 15 triệu đồng, thu nhập tăng dần qua các năm. Điển hình như chị Nữ, chị Hà, chị Sinh, chị Phượng,… từ nghề buôn bán vật liệu xây dựng, giết mổ gà, lợn, chăn nuôi, bán hàng giải khát, xây nhà trọ cho sinh viên thuê,… mỗi tháng thu nhập 2-3 triệu đồng.

Chị Đinh Thị Tuyết tâm sự: Từ ngày có Quỹ, chị em trong cụm như cởi bỏ được “sức ỳ”, ngầm thi đua để được bằng chị bằng em. Muốn “ngồi” ở nhà cũng không được. Ngay như gia đình chị, từ phát triển kinh tế tổng hợp cũng cho thu nhập 4,5 triệu đồng.
 
 
Về mô hình Quỹ Tình thương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên Phạm Văn Dũng nhận xét: Cấp uỷ, chính quyền đánh giá cao vai trò của Quỹ Tình thương đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đặc biệt là đối với phụ nữ nghèo. Tại đây, chị em không những được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, mà còn được thăm hỏi động viên khi ốm đau, giao lưu, tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ. Đồng vốn của Quỹ đã góp phần giảm thiểu tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, khơi gợi tinh thần tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm.
 

Tham dự sinh hoạt cụm với các chị em, Bộ trưởng Các vấn đề về phụ nữ Campuchia xúc động: “Điều làm tôi khâm phục là Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tại Việt Nam nỗ lực rất cao trong cuộc chiến chống đói nghèo, đặc biệt là chăm lo cải thiện cuộc sống cho phụ nữ nghèo – đối tượng luôn chịu thiệt thòi trong xã hội. Bộ trưởng cho biết, ở Campuchia cũng có chương trình tương tự, ra đời cách đây 11 năm, triển khai ở 17 tỉnh với 11.000 chị em. Tuy nhiên, nguồn vốn chưa dồi dào, lãi suất khá cao (3%/tháng). Vì vậy, số chị em vay còn hạn chế.” Trong chuyến đi này, Bộ trưởng muốn được trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm để phát triển ngày càng tốt hơn mô hình tín dụng vi mô mà hai nước đang triển khai thực hiện.

 
Đáp ứng nhu cầu mong mỏi của chị em, Chủ tịch Hà Thị Khiết chia sẻ: “T.W Hội luôn quan tâm tới hoạt động của Quỹ Tình thương; tích cực mở rộng quan hệ hợp tác phát triển nguồn vốn, đồng thời chị em cũng cần nỗ lực cùng với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều phụ nữ vươn lên thoát khỏi đói nghèo và làm giàu.”

Đỗ Hoa – Trung tâm Thông tin

Share

Tin tức gần đây

Trao tặng giải thưởng quốc tế Tôn vinh cán bộ cơ sở cho cán bộ TYM

Vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Loan, cán bộ TYM tại Phòng giao …

Share
Đọc thêm tại đây
TYM mở rộng địa bàn hoạt động tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Ngày 20/08/2024, Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) tổ …

Share
Đọc thêm tại đây
Đoàn cán bộ và khách hàng tổ chức CARD MRI đến thăm TYM

Trong hai ngày 07 và 08/8/2024, 17 cán bộ và khách hàng …

Share
Đọc thêm tại đây
Thông báo thay đổi địa điểm TYM – Chi nhánh Đô Lương, Nghệ An

Căn cứ thông tư số 19/2019/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt …

Share
Đọc thêm tại đây