TCVM: Mở cửa cho người nghèo tiếp cận dịch vụ tài chính 

14/12/2013

Việc các tổ chức TCVM ra đời cung cấp dịch vụ tín dụng, gửi tiết kiệm và cả các dịch vụ tài chính được đối tượng khách hàng là người nghèo đánh giá cao.

Người nghèo vay, nhưng luôn trả đủ nợ

Tại Việt Nam, gần 3 thập kỷ qua, ngành tài chính vi mô (TCVM) đã và đang khẳng định được tầm quan trọng trong việc hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng một cách thuận tiện và phù hợp. Các tổ chức TCVM đang dần khẳng định vai trò nhất định của mình trong công cuộc xoá đói giảm nghèo. Nhưng với “địa vị” khác xa ngân hàng, hoạt động của TCVM Việt Nam còn không ít khó khăn.

Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi Tổ chức TCVM tại Việt Nam – Chặng đường đã qua và kế hoạch tương lai” hôm 12/12/2013 tại Hà Nội, đại diện Quỹ City cho biết, các hoạt động TCVM ở Việt Nam đã mang lại nhiều cơ hội thực sự cho người nghèo để tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống, tạo việc làm cho cộng đồng và nhờ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. TCVM là một trong các kênh hiệu quả nhất để đầu tư vào người nghèo, đem lại những tác động xã hội quan trọng.

Với mục tiêu hướng tới một ngành TCVM bền vững, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển hệ thống TCVM đến năm 2020 với mục tiêu đặt ra là “Xây dựng và Phát triển hệ thống tổ chức TCVM an toàn, bền vững, hướng tới phục vụ người nghèo, người có thu nhập thấp, các DN siêu nhỏ, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững”. Điều này khẳng định sự thừa nhận của Nhà nước về vai trò, vị trí của TCVM trong hệ thống tài chính, ngân hàng quốc gia.

Trên thực tế, số lượng người nghèo ở Việt Nam không tiếp cận được dịch vụ ngân hàng vẫn còn khá lớn, nhất là vùng sâu, vùng xa, các dân tộc thiểu số. Trong khi đó, nhu cầu tiết kiệm và vay vốn của những đối tượng này cũng nhiều. Không ít những hộ nghèo do không tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng, buộc phải tìm đến nguồn vay nặng lãi với lãi suất từ 70 – 100%.

Đây thực sự là một gánh nặng đối với người nghèo trong việc phát triển kinh tế. Chính bởi vậy, việc các tổ chức TCVM ra đời cung cấp dịch vụ tín dụng, gửi tiết kiệm và cả các dịch vụ tài chính được đối tượng khách hàng là người nghèo đánh giá cao.

Đơn cử, tổ chức TCVM TNHH Một thành viên Tình Thương (TYM) là tổ chức TCVM chính thức đầu tiên tại Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập năm 2010, nhằm tới đối tượng là những phụ nữ nghèo. Trong năm 2013, TYM đã tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho gần 95.000 khách hàng tại 10 tỉnh thành, nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm.

Đặc biệt, TYM còn có chính sách cho vay lãi suất ưu đãi cho các đối tượng nghèo; tăng cường tiếp cận phụ nữ có HIV hoặc chịu ảnh hưởng bởi HIV để cho vay… Đối tượng khách hàng của TYM phức tạp là vậy, nhưng tính hết tháng 11/2013, với dư nợ vốn vay hơn 560 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn trả vẫn đạt tới 99,96%.

Ông Hoàng Quốc Mạnh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng – NHNN) cho rằng, TCVM đưa ra những sản phẩm phù hợp, giúp người nghèo tiếp cận dễ hơn với dịch vụ tài chính. Điều này đã cải thiện kinh tế và các mặt khác trong đời sống người nghèo, giảm cho vay nặng lãi, tạo thói quen tiết kiệm cho các hộ nghèo…

Thực tế, nhu cầu vay những món nhỏ của người nghèo tại các địa phương nơi ngân hàng chưa vươn tới rất lớn, tạo cơ hội để các TCVM phát triển, ông Hoàng Quốc Mạnh nhấn mạnh.

Cũng chính vì thế, mức độ cạnh tranh trên thị trường TCVM ngày càng lớn với sự phát triển dịch vụ TCVM có phương thức vay trả tương đồng với các TCTD như Ngân hàng Chính sách xã hội, Agribank, các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đang là thách thức lớn.

Bên cạnh đó, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và xu hướng thương mại hóa hoạt động TCVM dẫn đến các nguồn tài trợ cho TCVM ngày càng hạn hẹp. Các đơn vị tài trợ vốn lại ngày càng hướng nhiều hơn đến những tổ chức có quy mô lớn, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn; điều kiện tài trợ vốn cũng khắt khe hơn.

Khách hàng vay vốn từ TYM mở rộng phát triển chăn nuôi

Khuôn khổ pháp lý “cản bước” TCVM

Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 50 dự án TCVM vừa và nhỏ với khoảng 500.000 khách hàng. Tuy nhiên, mới có 2 tổ chức được cấp phép là TYM và M7.

Ngày 12/12 tại Hà Nội đã diễn ra lễ Công nhận cá nhân và tổ chức Tài chính vi mô tiêu biểu Citi – Việt Nam 2013 (CMA 2013) do Quỹ Citi, Citibank Việt Nam tài trợ từ năm 2007 đến nay với sự hỗ trợ của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, NHNN Việt Nam và Học viện Ngân hàng.

Năm nay, CMA 2013 công nhận những đóng góp tích cực và những thành tích xuất sắc trong công cuộc giảm nghèo và phát triển kinh tế của 30 khách hàng TCVM tiêu biểu, 5 cán bộ tín dụng xuất sắc, 10 tổ chức TCVM, 1 Dự án TCVM. Chị Nguyễn Thị Phương, Quỹ Phát triển phụ nữ Hà Tĩnh được công nhận là khách hàng TCVM xuất sắc của năm 2013. TYM là tổ chức TCVM xuất sắc nhất của năm 2013 và Quỹ hỗ trợ Phụ nữ nghèo Thanh Hoá (FWP) là Tổ chức xuất sắc thứ hai có định hướng hoạt động chuyên nghiệp.

Lý giải nguyên nhân số lượng tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM được cấp phép cho đến nay mới chỉ là con số “hai”, theo TYM, khuôn khổ pháp lý đang là khó khăn lớn nhất. Theo đó, những khó khăn như quy định ban hành chậm và không phù hợp với hoạt động TCVM (thông tư về mạng lưới, hệ thống thanh toán…). Một số quy định không thuận lợi cho các tổ chức TCVM như cơ chế tài chính, chính sách thuế…

Do đó, TYM phải mất gần 2 năm để hoàn thiện hồ sơ cấp phép theo yêu cầu của NHNN. Hiện có một số quy định đã được xây dựng riêng cho tài chính quy mô nhỏ, nay theo Luật Các TCTD 2010 gọi là TCVM còn chưa phù hợp với đặc thù hoạt động của TCVM.

Ví dụ Thông tư 07/2009/TT-NHNN ngày 17/4/2009 quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ có quy định tỷ lệ về khả năng chi trả là 20%. Quy định này không khác gì so với quy định đối với các NHTM, trong khi với các TCVM, tiết kiệm bắt buộc là khoản tiền được coi như đảm bảo vốn vay và tổ chức TCVM có thể chủ động lập kế hoạch cho việc chi trả cho khoản rút tiết kiệm này.

Hay tại Thông tư số 09/TT-NHNN ngày 25/3/2013 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế, trong đó lãi suất vốn vay ngắn hạn của TCVM không vượt quá 12%/năm cũng làm hạn chế nhiều hoạt động của TCVM…

Thừa nhận những điểm chưa phù hợp trên, ông Hoàng Quốc Mạnh cho rằng, khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động cụ thể của TCVM cũng như khuyến khích các TCTD tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ TCVM. Tuy nhiên, cũng phải kể đến một thực tế là nhận thức của các tổ chức TCVM về vấn đề bền vững tài chính, mối quan hệ giữa bền vững tài chính và hiệu quả xã hội chưa đầy đủ.

Do đó, sự lo ngại tiềm ẩn nguy cơ lệch hướng sang mục tiêu lợi nhuận của cơ quan quản lý là có. Mặt khác, giữa các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực TCVM và giữa tổ chức TCVM với ngân hàng còn thiếu sự liên kết mang tính hệ thống.

“Lợi ích chỉ có thể thấy được xét về lâu dài”

Việc thực hiện chuyển đổi từ một tổ chức phi chính phủ sang một tổ chức có đăng ký cấp phép không phải phù hợp với tất cả các tổ chức TCVM. Việc chuyển đổi chỉ có tác dụng đối với các tổ chức cung cấp tín dụng phi Chính phủ đã bền vững về tài chính và phát triển được cơ sở tổ chức vững chắc.

Khi chuyển đổi, các tổ chức TCVM có thể thu hút tiền đầu tư của các nhà đầu tư khi họ nhìn thấy tỷ suất sinh lời. Trên cơ sở đó nhà đầu tư xem xét thấy có lợi nhuận họ sẽ đầu tư. Ví dụ như khi một tổ chức TCVM chuyển đổi xong, một ngân hàng nhìn thấy tốc độ tăng trưởng và tỷ suất sinh lợi lớn thì ngân hàng đó đã mua luôn TCVM này.

Việc chuyển đổi còn giúp tổ chức TCVM mở rộng danh mục các sản phẩm tài chính cung cấp cho khách hàng, đồng thời tăng cường quản lý rủi ro và quản trị công ty nhằm tuân thủ các quy định điều chỉnh. TCVM có thể tăng số lượng và đa dạng hóa các nguồn vốn như tiền gửi, trái phiếu, các khoản vay…

Bên cạnh đó, danh mục cho vay tăng trưởng nhanh dẫn đến tiết kiệm chi phí nhờ tăng quy mô và phát triển bền vững, tạo điều kiện mở rộng quy mô lớn khách hàng. Chính sự cạnh tranh gia tăng thúc đẩy tăng hiệu suất hoạt động và giảm giá thành sản phẩm một cách bền vững có lợi cho khách hàng.

Tuy nhiên chuyển đổi cũng gặp nhiều bất lợi, như việc một số thành viên sáng lập của tổ chức phi chính phủ chuyển đổi sang một định chế tài chính vi mô được luật điều chỉnh (MFI) khó chấp nhận việc mất quyền chi phối và khó cân bằng lợi ích của các thành viên bên ngoài. Đồng thời cần phân bổ rất nhiều thời gian và các nguồn lực quan trọng cho quá trình chuyển đổi. Lợi ích thu được sau khi chuyển đổi vượt xa so với chi phí bỏ ra cho quá trình chuyển đổi.

Tuy nhiên, lợi ích chỉ có thể nhìn thấy được xét về lâu dài.

Ông Ricardo Garcia Tafur – Bộ phận Thị trường Tài chính của IFC

 

Bài và ảnh Nguyễn Minh (Theo “Thời báo Ngân hàng” ngày 13/12/2013 )

Share

Tin tức gần đây

Trao tặng giải thưởng quốc tế Tôn vinh cán bộ cơ sở cho cán bộ TYM

Vừa qua, Nguyễn Thị Thanh Loan, cán bộ TYM tại Phòng giao …

Share
Đọc thêm tại đây
TYM mở rộng địa bàn hoạt động tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

Ngày 20/08/2024, Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương (TYM) tổ …

Share
Đọc thêm tại đây
Đoàn cán bộ và khách hàng tổ chức CARD MRI đến thăm TYM

Trong hai ngày 07 và 08/8/2024, 17 cán bộ và khách hàng …

Share
Đọc thêm tại đây
Thông báo thay đổi địa điểm TYM – Chi nhánh Đô Lương, Nghệ An

Căn cứ thông tư số 19/2019/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt …

Share
Đọc thêm tại đây