Dành nhiều tâm huyết để hoàn thành nhiệm vụ, với sứ mệnh luôn đồng hành hỗ trợ nhiều hơn nữa phụ nữ nghèo, yếu thế, các cán bộ của Tổ chức tài chính vi mô Tình Thương (TYM) đã thắp lên ngọn lửa khơi dậy đam mê cho phụ nữ khởi nghiệp, dù họ ở độ tuổi nào, hoàn cảnh nào.
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 đã khép lại, nhưng với các cán bộ và thành viên (khách hàng) của TYM, nhiều dư âm ngọt ngào vẫn còn đọng lại. Bởi, họ vừa đi qua một hành trình tràn đầy niềm vui, nhiệt huyết và sự nỗ lực, cố gắng.
TYM cùng với hành trình dự thi của người phụ nữ khởi nghiệp khi đã nghỉ hưu
“Tôi không thể quên được khoảnh khắc từ 7h30 đến 8h15 ngày 08/10/2021, ngày tổ chức cuộc thi chung kết toàn quốc cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp. Đó là khoảng thời gian Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Ban Giám đốc TYM – Chi nhánh Thanh Hóa có mặt đầy đủ để tham dự phần khai mạc cuộc thi nhưng thí sinh tham gia cuộc thi thì chưa thấy đâu vì phải lo việc gia đình. Khoảnh khắc ấy là một kỷ niệm có lẽ không một cán bộ nào có được cơ hội để trải nghiệm nghe con tim mình đập từng nhịp mà to như thế”, chị Lê Thị Liên, cán bộ quản lý địa bàn Hậu Lộc, Chi nhánh Thanh Hóa nhớ lại.
Từ giữa tháng 02/2021, khi Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, chị Liên đã nghĩ tới một trong những thành viên tiêu biểu tại địa bàn của mình – cô Nguyễn Thị Sâm, “Tôi cũng trăn trở lắm, vì cô khởi nghiệp khi bắt đầu về hưu. Tôi không biết rằng liệu cô Sâm có đáp ứng, theo được cuộc thi hay không? Nhưng tôi rất muốn nhiều người biết tới và được truyền cảm hứng từ câu chuyện của cô, của những chiếc túi được may từ những công nhân là phụ nữ kém may mắn, các cháu khuyết tật, những người hoàn lương. Sau cùng, tôi nghĩ rằng khởi nghiệp dù ở độ tuổi nào thì cũng không phải là muộn. Vậy là tôi hạ quyết tâm sẽ đồng hành với cô tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm nay”, chị Lê Thị Liên chia sẻ.
Là chủ cơ sở sản xuất, cũng là người phụ trách trực tiếp về kỹ thuật may và đảm bảo chất lượng sản phẩm, cô Sâm nắm rõ mọi đơn hàng, sản phẩm và luôn vận hành xưởng của mình rất hiệu quả. Chỉ có các vấn đề về công nghệ là cô không được thành thạo như nhiều chị em khác ngày nay. Cô không sử dụng máy tính hay điện thoại thông minh, không biết sử dụng email nên ngay cả việc gửi hồ sơ trực tuyến đối với cô cũng không hề dễ dàng. Ngay sau khi vận động cô Sâm tham dự cuộc thi, chị Lê Thị Liên đã bắt đầu hỗ trợ cô bằng những việc hết sức đơn giản như lập email cho cô, hướng dẫn cô cách làm hồ sơ theo mẫu dự thi của Ban tổ chức. Từ những ý tưởng bằng lời nói của cô, chị hướng dẫn cô xây dựng bài viết để gửi đi, theo dõi sát sao nhóm zalo của Ban tổ chức để nhắc cô sắp xếp công việc gia đình tham gia đầy đủ. Hỗ trợ thành viên dự thi trong suốt 8 tháng, từ giữa tháng 02 đến hết ngày 15/10/2021, chị Liên phải sắp xếp thời gian để hoàn thành các công việc chuyên môn và gia đình, để có thể tận tình hỗ trợ thành viên.
“Nhiều khi mải miết vào dự án, khi hai cô cháu hoàn thành thì đồng hồ đã sắp điểm sang ngày mới. Bận rộn nhất có lẽ là thời điểm 2 lần thi là cuộc thi cấp vùng khu vực phía bắc và cuộc thi chung kết toàn quốc. Mỗi lần thi là 3 ngày tôi cùng luyện tập, hỗ trợ hướng dẫn cô Sâm cách thuyết trình với bài trình bày trên máy tính. Tôi rất nể phục cô vì sự quyết tâm và đã luôn sẵn sàng học hỏi nhiều cái mới trong một thời gian ngắn như vậy”, chị Lê Thị Liên chia sẻ thêm.
Những thành quả ngọt ngào
Cô Nguyễn Thị Sâm cho biết: “Tôi được biết đến cuộc thi từ năm 2020, khi cán bộ TYM chia sẻ về những thành viên khác đã đạt giải thưởng. Với cuộc thi năm nay, lúc đầu tôi phân vân không dám tham gia nhưng được cán bộ TYM động viên và hỗ trợ nhiệt tình trong cuộc thi, tôi tự tin để tham dự. TYM đã đồng hành với tôi từ việc tư vấn để làm hồ sơ dự thi, trình bày ý tưởng, cho đến hỗ trợ trang thiết bị, máy móc để tôi có được điều kiện tốt nhất khi tham gia học, trình bày ý tưởng của cuộc thi. Nếu một mình lại không biết về công nghệ, tôi nghĩ rằng dự án của mình khó có thể đi đến cuối cuộc thi và đạt giải, đặc biệt khi cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến như năm nay. Sự đồng hành của TYM trong cuộc thi cũng như suốt nhiều năm qua là một món quà ý nghĩa đối với tôi và các các chị em khác”.
Cùng với chị Lê Thị Liên, rất nhiều cán bộ TYM đã đồng hành hỗ trợ các khách hàng tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 này. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người cán bộ của TYM, như lời tâm sự của chị Lê Thị Liên: Thời gian hỗ trợ thành viên cũng là lúc những người được sống và làm việc tại TYM có cơ hội để trưởng thành. Chính vì thế, bất kỳ một cán bộ nào ở TYM khi được giao nhiệm vụ dù khó khăn thử thách đến đâu thì cũng cố gắng dành hết tâm huyết để hoàn thành với sứ mệnh của TYM luôn đồng hành hỗ trợ nhiều hơn nữa đến phụ nữ nghèo, yếu thế.
Vượt xa những công việc hành ngày như hoạt động vay vốn, tiết kiệm TYM đã giúp các chị em phụ nữ được tham gia, kết nối với những sân chơi lớn như Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp” này để các chị có cơ hội được chia sẻ và học hỏi và đặc biệt giới thiệu dự án của mình cho nhiều người biết đến.
Bà Trần Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng giám đốc TYM chia sẻ: Hưởng ứng hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nói chung và cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức nói riêng, TYM xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực giúp cho chị em phụ nữ ngày càng mạnh dạn, sáng tạo, đổi mới để phát triển kinh tế, tự khẳng định bản thân trong gia đình và xã hội. Không những vậy các chị còn tạo việc làm cho nhiều chị em trong cộng đồng, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Các hỗ trợ của TYM được thực hiện ngay từ khi cuộc thi bắt đầu cho đến khi kết thúc, từ trụ sở chính cho đến từng chi nhánh, phòng giao dịch. Khách hàng được cán bộ TYM hỗ trợ từ những việc như lựa chọn dự án, xây dựng Kế hoạch kinh doanh… đến kĩ năng trình bày dự án. Nhằm đảm bảo sự hỗ trợ được hiệu quả, điều quan trọng là giúp cho chị em tham gia vào một sân chơi bổ ích, giúp nâng tầm bản thân và tạo cơ hội mở rộng hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh mà các chị đang theo đuổi. |
Trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2021, TYM đã có 34 dự án của khách hàng được vào vòng thi cấp vùng. Trong số đó, đã có 5 dự án của thành viên TYM vào vòng chung kết toàn quốc và vinh dự đạt các giải thưởng: Giải Vì cộng đồng: – Chị Nguyễn Thị Huyền, TP Hà Nội với dự án Tổ hợp tác liên kết chuỗi sản xuất rau, củ, quả tiêu chuẩn OCOP, theo hướng PGS. – Chị Nguyễn Thị Sâm, tỉnh Thanh Hóa với dự án May gia công công nghiệp túi siêu thị xuất khẩu. Giải Triển vọng: – Chị Bùi Thị Hiền Lương, tỉnh Nghệ An với dự án Nâng cao giá trị của con cá trích – hướng tới xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm “Chả cá trích Quỳnh Phương”. – Chị Nguyễn Thị Như, tỉnh Bắc Giang với dự án Trồng cây nông nghiệp công nghệ cao. – Chị Nguyễn Thị Nhài, tỉnh Vĩnh Phúc với dự án Trồng nho sạch. |
Theo báo Phụ nữ Việt Nam