TYM cho tôi cơ hội để được là chính mình

15/02/2022

Năm 1994, anh Nguyễn Văn Sỹ trở thành cán bộ của Quỹ Tình thương, nay là Tổ chức Tài chính Vi mô Tình thương (TYM). Gần 28 năm sau, vị Giám đốc TYM – chi nhánh Sóc Sơn vẫn thấy đây là quyết định đúng đắn nhất của đời mình. Cũng từ đó, anh Sỹ đã có cơ hội đồng hành với hàng chục nghìn phụ nữ, hộ gia đình nghèo và thu nhập thấp, góp phần hỗ trợ họ vươn lên thoát nghèo và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và vai trò, tiếng nói trong gia đình và xã hội.

TÌM THẤY MÌNH TRONG CÔNG VIỆC HỖ TRỢ PHỤ NỮ NGHÈO

Anh Sỹ phát biểu tại Hội nghị sơ kết hoạt động TYM 6 tháng đầu năm, Sóc Sơn, 2007

Đầu những năm 90, sau chiến tranh lạnh, thế giới có những cuộc chuyển dời long trời lở đất và mỗi cá nhân – chính những người ưu thời mẫn thế lại càng bị ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết. Từ một “hạt giống đỏ” kế cận đội ngũ lãnh đạo của một doang nghiệp lớn của nhà nước, anh thanh niên Nguyễn Văn Sỹ bỗng thấy tất cả đảo lộn. Cơ chế chuyển đổi, doanh nghiệp nhà nước lao đao trong vòng xoáy định hình và tìm kiếm sự sinh tồn, nhưng cái làm anh thanh niên ấy “khủng hoảng” thực sự chính là những điều mà bấy lâu trong tâm trí anh vững như bàn thạch, là động lực, là kim chỉ nam thì giờ đây lung lay và cũng như rời ra từng mảng lớn.

Rời nội thành, anh về quê Sóc Sơn, vùng hẻo lánh nhất nhì của Hà Nội để tìm việc mà như một người mộng du, một người định hình lại bản thân, đi tìm lẽ sống.

Có lẽ chính vì vậy mà vị Trưởng Phòng Tổ chức Chính quyền UBND huyện Sóc Sơn cảm thấy có điều gì đó là lạ, ngồ ngộ. Cuối buổi nói chuyện, ông giới thiệu Sỹ sang Hội phụ nữ vì “bên đó đang có một cái quỹ từ thiện gì đó cần người…”

Cũng chung cảm giác đó, lãnh đạo Quỹ Tình Thương (tại thời điểm đó trực thuộc Ban Gia đình – Đời sống , TƯ Hội), nhìn chàng thanh niên với con mắt đầy nghi ngờ với một lời đề nghị cũng không giống ai: “Em hãy đi với cán bộ của Quỹ 01 tuần xuống cơ sở rồi chị em mình lại nói chuyện tiếp nhé…”

Một tuần đầu chàng thanh niên áo trắng cổ cồn với chiếc xe đạp rong ruổi trên những nẻo đường đầy sỏi đá, ổ trâu, ổ voi để đến với những người dân ở huyện Sóc Sơn. Điều làm anh ngạc nhiên nhất chính là đến tận giữa những năm 90 mà trên quê mình lại còn có nhiều người nghèo đến thế. Những ngôi nhà tranh xiêu vẹo, bóng nắng xuyên qua mái, những căn phòng trống trải chẳng có đồ đạc gì đáng tiền, những gương mặt khắc khổ hằn sâu nỗi lo cơm áo, mà đâu phải chỉ có vậy, cùng với đó là nạn rượu chè, bạo hành gia đình…

Một niềm đồng cảm, xót xa chiếm lấy anh và ngay từ phút đó anh đã có quyết định của mình, quyết định để rồi gần 28 năm sau, anh vẫn thấy hạnh phúc vì mình lựa chọn đúng.

Có thể ban đầu anh quyết định gắn bó có phần là vì chị em phụ nữ nghèo nhưng sau này anh mới hiểu ra rằng đó  cũng là vì chính anh, chính anh đã tìm thấy công việc của mình, lẽ sống của mình. 

Sau này anh tâm sự: “Mẹ tôi làm nghề buôn bán. Tôi vẫn nghe người ta bảo buôn gian bán lận nhưng từ nhỏ tôi chứng kiến cụ tuyệt nhiên bán hàng rất minh bạch, rõ ràng, chẳng nói dối một ai bao giờ. Đặc biệt với những khách hàng nghèo mua chịu không có tiền trả, cụ cũng chẳng bóc áo tháo cầy mà đòi cho bằng được như người ta”. “Làm người ai mà chẳng có danh dự, bất đắc dĩ lắm người ta mới không trả được mình, sao mình còn nỡ đẩy người ta vào đường cùng làm gì…” anh Sỹ nhớ lại lời của mẹ.

“Và những thành viên của TYM hôm ấy thấp thoáng bóng dáng của những người khách nghèo của mẹ tôi ngày nào. Vì vậy tôi quyết định làm công việc này để phần nào được sẻ chia khó khăn với họ.”

Đến nay qua gần 3 thập kỷ, trải qua bao khó khăn, vất vả từ những ngày đầu khi hoạt động tài chính vi mô còn lạ lẫm lắm với người dân và ngay cả chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ đến vô vàn thách thức trong điều kiện dịch Covid hiện nay, anh Sỹ vẫn kiên định với sứ mệnh xã hội đang mang với sự tận tâm, lòng đam mê và nhiệt huyết. Anh đã thắp lên ngọn lửa cảm hứng cho nhiều lớp cán bộ tiếp theo của TYM.

Anh Sỹ (vest đen) cùng cán bộ TYM chi nhánh Sóc Sơn và thành viên cụm 01 (cụm thành viên đầu tiên của TYM thành lập vào năm 1992)

VẬN ĐỘNG VỢ NHƯNG PHẢI QUA “CỬA ẢI” CHỒNG

Ngày ấy đi lại khó khăn, đường xá rất xấu, đặc thù phụ nữ phải đi làm cả ngày chỉ đến tối họ mới về đến nhà. Cán bộ của TYM tất nhiên phải tranh thủ buổi tối mới tiếp cận được với họ.

Với phụ nữ, sự chân thành đương nhiên sẽ chiếm được niềm tin và cảm tình của họ. Vả lại lúc đó phụ nữ nghèo nhưng họ rất mong mỏi có cơ hội để thay đổi cuộc sống của mình, số phận của mình. TYM không chỉ mang đến cho họ tiền vốn và một phần quan trọng không kém đó là kiến thức về quản lý chi tiêu về tiết kiệm, về làm kinh tế hộ gia đình. Chính vì vậy mà chẳng phụ nữ nào không thích.

Nhưng chướng ngại vật lớn có lẽ lại là những ông chồng. Đói nghèo, lạc hậu, rượu chè và cả bất bình đẳng giới khiến những ông chồng của những năm cuối thế kỷ trước giống những những “lãnh chúa” trong ngôi nhà dột nát của mình. Hàng ngày vị lãnh chúa ấy dốc chai rượu và hoạnh họe vợ con về những chuyện không đâu.

Có lần thấy chàng trai ngoài 30 ấy đến vận động gia đình tham gia Quỹ Tình thương một ông chồng liền hất hàm hỏi: “Vay một cái rồi mấy hôm sau đã phải trả nợ, thế chú bảo tao vừa mua con gà, ấp gà con chưa kịp lớn thì phải bán mà trả cho chú à?”

Anh Sỹ nhỏ nhẹ: “Các chú, các bác đều là những người chủ gia đình, quản lý kinh tế lâu năm rồi, cháu đâu dám múa rìu qua mắt thợ. Nhưng mà chú ạ, muốn tiết kiệm được thì mình phải có mục tiêu. Chẳng hạn chú vay vốn của TYM xong đâu cần phải bán gà, bán lợn mới trả được, mỗi tuần chỉ vài nghìn đồng các chú chỉ cần bớt hút đi nửa bao thuốc lá là cũng trả được rồi…”

Một lần khác tại cụm 3, thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú, anh Sỹ sau một thời gian “thăm dò” đã phải dùng cách “giao lưu cờ tướng” với anh Phạm Quý Bang là một trong những “giang hồ gác kiếm” và là chồng của cụm trưởng Nguyễn Thị Miến rất có uy tín trong khu vực. Từ tình bạn cờ tướng, anh Bang không những tôn trọng và ủng hộ quyết định của vợ mà bản thân anh cũng hỗ trợ anh Sỹ rất nhiều trong công việc. Có những ông chồng, đến hạn vợ hoàn trả cho TYM, quay ra giở giọng càn quấy thậm chí dọa nạt. Nhưng chỉ cần anh Bang nói: “Chú Sỹ nói đúng đấy, có nợ thì phải trả, mà tiền của quỹ chứ có phải của riêng chú ấy đâu…” thì mọi chuyện lại ổn thỏa đâu vào đó cả.

Công việc bận rộn, làm việc với thành viên xong phải đến đêm mới đạp xe về đến nhà. Mỗi lần về mẹ anh bao giờ cũng đợi cửa, rồi vừa mở cửa cho con vừa nhắc: “Con xem làm ăn thế nào chứ, cứ đi đêm hôm thế kẻ cướp có khi nó tưởng mày có nhiều tiền chặn đường thì khổ…”

Nhưng anh Sỹ đã có được cảm tình của chính người dân là chỗ dựa lớn nhất. Và cũng chính cách sống nhân hậu của cha mẹ là tài sản giúp anh sau này. Anh Phú ở cụm 3 thôn Phú Thịnh, xã Minh Phú, người từng tuyên bố “hôm nay đứa nào vào nhà tao đòi nợ tao sẽ đánh vỡ gối tối mặt” lại sụp xuống xin lỗi và nhận anh em vì sau một hồi mới nhận ra “ông cụ nhà anh và ông cụ nhà chú ngày xưa chơi với nhau thân lắm…”

Anh cứ thế, lao vào say mê với công việc với việc mở rộng địa bàn, lập chi nhánh, phòng giao dịch mới, thấm thoắt gần 30 năm, cận kề tuổi nghỉ hưu mà anh vẫn còn say sưa: “Nếu như chính sách còn cho phép mình vẫn muốn được tiếp tục, nước mình còn nhiều phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế lắm mà mạng lưới của TYM thì mới chỉ có mặt ở 12 tỉnh/ thành”.

Mua đồng nát dựng gara ôtô 

Chị Trần Thị Bảy (thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn) vẫn nhắc mãi câu chuyện biết ơn TYM. Hai anh chị làm nghề nhặt phế liệu, muốn vay lấy vài trăm nghìn làm vốn kinh doanh mà đành bất lực vì không ai nhìn thấy nguồn trả nợ. Khi mọi cánh cửa đều đóng thì vợ chồng chị gặp anh Sỹ và TYM đã chào đón họ đến với ngôi nhà chung. Với 200.000 đồng vốn vay ban đầu cùng với kiến thức của 5 buổi tập huấn, năm 1994, anh chị mở điểm thu mua phế liệu. 10 năm sau anh chị dỡ ngôi nhà xập xệ của mình xây được ngôi nhà 3 tầng và mua ôtô tải kinh doanh phế liệu. Khi đã có tuổi anh chị xây dựng gara cho một doanh nghiệp sửa chữa ôtô thuê lại.

Gần 3 thập kỷ gắn bó với công việc hỗ trợ phụ nữ nghèo, anh Sỹ vẫn thấy hạnh phúc vì mình lựa chọn đúng
Năm 1994 anh Nguyễn Văn Sỹ trở thành cán bộ của TYM ở Sóc Sơn (Hà Nội). Năm 1995 anh cùng đồng nghiệp gây dựng chi nhánh Sóc Sơn 2. Năm 1996 anh được điều động “chữa cháy” cho chi nhánh Sóc Sơn 1 do số lượng thành viên (TV) tăng quá nhanh, cán bộ thiếu nghiệp vụ nên có tình trạng vỡ quỹ, hơn 400 TV bỏ quỹ, số TV chỉ còn dưới 200 người. Anh Sỹ cùng với đồng nghiệp nhanh chóng xây dựng lại mạng lưới với hơn 400 TV. Năm 1997 anh được điều động đi huyện Ý Yên (Nam Định) đặt nền móng cho TYM ở địa phương này. 6 năm ở đây anh đã tổ chức xây dựng được mạng lưới gần 4.000 TV. Năm 2003 anh được điều động đi xây dựng TYM ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc) với 1.700 TV. Từ năm 2007 anh trở lại Sóc Sơn và hỗ trợ TYM mở rộng mạng lưới ra các địa phương lân cận là huyện Sông Công, Phú Bình, Phổ Yên và TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), huyện Yên Phong, TP. Bắc Ninh và huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh). Anh Sỹ hiện là Giám đốc TYM – chi nhánh Sóc Sơn quản lý 4.782 TV/khách hàng, dư nợ vốn đạt hơn 57 tỷ, dư tiết kiệm đạt hơn 79 tỷ, tỷ lệ hoàn trả luôn đạt 100%. 

Theo Báo phụ nữ Việt Nam 

Share

Tin tức gần đây

NGÀY TIẾT KIỆM THẾ GIỚI| 8 cách tiết kiệm tiền hiệu quả cho một gia đình

Tiết kiệm tiền là một thói quen cần thiết mà mỗi cá …

Share
Đọc thêm tại đây
TYM hướng tới hỗ trợ khách hàng hội nhập quốc tế

Thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ phụ nữ phát triển …

Share
Đọc thêm tại đây
Thư mời cung cấp dịch vụ kiểm toán

Kính gửi: Quý Công ty Kiểm toán TYM đang thực hiện quy …

Share
Đọc thêm tại đây
Thông báo thay đổi địa điểm TYM – Chi nhánh Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, PGD số 01

Căn cứ thông tư số 19/2019/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt …

Share
Đọc thêm tại đây